Khu công nghệ phần mềm – Đại học quốc gia TPHCM (ITP) đẩy mạnh hỗ trợ các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp
Cách đây một thập kỷ, ở Việt Nam đã sớm đón đầu làn sóng khởi nghiệp của thế giới, các khái niệm start-up hay công ty khởi nghiệp cũng dần trở nên quen thuộc. Đại diện cho làn sóng khởi nghiệp này là 3 công ty thương mại điện tử lớn nhất cả nước (theo nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường World Startup Report) gồm VNG, Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam (VC Corporation), và Công ty cổ phần Vật Giá (Vật Giá - Viet Nam Price Joint Stock Company).

Tuy nhiên, cũng theo một khảo sát khác về khởi nghiệp tại Việt Nam, bình quân có 70% “chết yểu”, 20% vượt qua được 1-2 năm đầu và 10% thành công, cho thấy tỷ lệ thực sự thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp còn khá thấp do gặp phải khá nhiều khó khăn trong quá trình khởi nghiệp và chưa tìm được giải pháp cũng như sự hỗ trợ đúng mức từ cộng đồng. Khó khăn thường gặp phải như thiếu hụt về vốn, thiếu tầm nhìn, thiếu kinh nghiệm triển khai sản phẩm khiến Startup Việt gắn liền với việc “đi trước, về sau”; ngoài ra còn là sự thiếu nền tảng vững chắc như nguồn nhân lực; cơ sở hạ tầng; các kết nối với quỹ đầu tư, doanh nghiệp lớn, nguồn thông tin cũng như các chính sách hỗ trợ phù hợp từ nhà nước..

Nắm bắt được điểm yếu này, với tầm nhìn định hướng và mong muốn đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà, từ đầu năm 2014, Khu Công nghệ phần mềm – Đại học quốc gia TPHCM (ITP) đã bắt tay vào xây dựng mô hình “Hệ sinh thái khởi nghiệp”. Mô hình này trên thế giới đã được đánh giá là chiến lược phát triển kinh tế  mới, rất  hiệu quả về mặt đầu tư và mang lại những tác động kinh tế-xã hội quan trọng trong khung thời gian tương đối ngắn nhằm tập trung phát triển các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh và sử dụng các công cụ mang tính chất quan hệ như hỗ trợ xây dựng mạng lưới, tăng cường sự kết nối giữa các nhà khởi nghiệp, thúc đẩy các tương tác ngang hàng trong mạng lưới.

 

Mô hình Hệ sinh thái khởi nghiệp được ITP ĐHQG-HCM định hướng xây dựng.

(“ Deal-maker” : những chuyên gia, những doanh nhân trong nhiều lĩnh vực khác nhau đóng vai trò chủ chốt trong mạng lưới khởi nghiệp.)

Với mong muốn mang lại lợi ích tối đa nhất có thể cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại ITP, trong cùng năm, ITP ĐHQG liên kết thành công với hơn 7 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ như Cisso, Microsoft, FPT software, TAM, Viettel ICT, Luxsoft, CMC v.v…; làm việc với các quỹ, các dự án lớn như First (Bộ KHCN), IPP2, Cyber Agent, Villgro v.v… để xây dựng các kết nối nhân lực và nguồn lực hỗ trợ các dự án khởi nghiệp về đào tạo và đầu tư; hỗ trợ 3 Startup về lĩnh vực công nghệ đến thời điểm hiện tại các Startup này đã có những thành công nhất định trong quá trình phát triển của mình.

Các mối liên kết với cộng đồng khởi nghiệp được hình thành rõ ràng qua việc tổ chức thành công 6 sự kiện kết nối trong năm 2014, tiêu biểu như StartupsToStudents,..các buổi gặp gỡ tư vấn về các vấn đề liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ, các buổi kết nối tuyển dụng và giao lưu giữa các doanh nghiệp và nguồn nhân lực sinh viên chất lượng cao v.v…; đồng thời làm diễn giả, khách mời tham gia trên 10 sự kiện của cộng đồng.

Những chuyên gia,doanh nhân trong nhiều lĩnh vực khác nhau cũng ủng hộ và sẵn sàng trở thành người bảo trợ và làm Mentor cho hệ sinh thái như Giáo sư Tom Kosnik (Stanford University), ông Lê Hồng Minh (VNG), ông Nguyễn Mạnh Dũng (Cyber Agent), ông Trần Công Thành (PVNi), ông Vũ Thái Hà (EXA trueCloud), ông Minh Đỗ (Techinasia), ông Chris Zobrist (IPP2) v.v…

Song song đó, ITP ĐHQG - HCM thiết lập một chương trình đào tạo tăng tốc dành cho khởi nghiệp mang tên “ DrumXVentures “ – chương trình trọng điểm trong năm 2015.

DrumXVentures là một khoá học bổ sung các kỹ năng; kiến thức về khởi nghiệp cho các cá nhân, các nhà khởi nghiệp để hướng tới hoàn thiện khả năng lãnh đạo, phát triển sản phẩm và tạo cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư. Chương trình nhận được sự bảo trợ của Lãnh đạo các cấp ban ngành TPHCM và có sự đóng góp của các Mentors là các doanh nhân thành công trong lĩnh vực khởi nghiệp từ trong và ngoài nước tham gia giảng dạy và chia sẻ.

Để hoàn thiện những yếu tố cần thiết cho hoạt động của Hệ sinh thái khởi nghiệp, trong khoảng thời gian từ khoảng đầu năm 2014, như một điều kiện thuận lợi ITP ĐHQG-HCM còn chính thức trở thành thành viên của Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung với vai trò “Cung cấp nguồn nhân lực” và “Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp” góp phần bảo đảm điều kiện ưu đãi của Khu CNTT và tranh thủ các nguồn đầu tư phát triển của TP.HCM để đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại ITP.

Với mô hình này, Khu CNPM  còn nhận được sự ủng hộ của Ban giám đốc ĐHQG trong việc triển khai, được sự ủng hộ của Ban Lãnh đạo Thành Phố trong việc hỗ trợ, và được cộng đồng startup nhiệt tình cộng tác.

Chương trình “ Hỗ trợ khởi nghiệp ITP” cung cấp các gói hỗ trợ thiết thực như : ITP Office (hỗ trợ văn phòng, thành lập doanh nghiệp, chỗ nghỉ ngơi, ăn uống, giải trí…); ITP Technology (các dịch vụ hạ tầng CNTT – TT như internet băng thông rộng, wifi, webhost, server..); ITP Training (các khoá học đào tạo liên kết với các doanh nghiệp và trung tâm đào tạo chuyên nghiệp) nhằm bổ sung kiến thức và giảm thiểu tối thiểu chi phí bước đầu cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

ITP phấn đấu trở thành môi trường khởi nghiệp công nghệ hàng đầu cho các bạn trẻ Việt Nam.

Thông tin chi tiết xem thêm tại: : http://itp-group.vn/vi/

Nguồn: Khu công nghệ phần mềm – Đại học quốc gia TPHCM (ITP)