Giải tỏa tâm tư cho doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự
Nhiều băn khoăn của Bkav, Viettel, Netnam... đã được lãnh đạo Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã - Ban Cơ yếu Chính phủ trực tiếp giải đáp trên tinh thần tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự.
Toàn văn trả lời Hội Tin học Việt Nam của Ban Cơ yếu Chính phủ trang 1. Toàn văn trả lời Hội Tin học Việt Nam của Ban Cơ yếu Chính phủ trang 2.70- 80% sản phẩm có mật mã trên thị trường được loại trừ việc cấp phép
Sáng 31/8/2016, tại Hà Nội, Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã - Ban Cơ yếu Chính phủ (Cục QLMMDS và KĐSPMM) phối hợp với Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức Tọa đàm Giới thiệu Nghị định số 58/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự (MMDS) và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm MMDS.
Tham dự có đại diện của nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ MMDS như Bkav, Viettel, Netnam, MK Group...
Tọa đàm này có ý nghĩa rất thiết thực, trong bối cảnh Nghị định 58 dù đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 nhưng vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chưa hiểu hết nội hàm của Nghị định, dẫn đến lo lắng, bức xúc về những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Cục trưởng Vũ Văn Xứng trực tiếp giải đáp những thắc mắc, băn khoăn của các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự như Bkav, Viettel, Netnam... |
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Vũ Văn Xứng, Cục trưởng Cục QLMMDS và KĐSPMM cho biết: MMDS là thành phần không tách rời của mật mã quốc gia, là một lĩnh vực công nghệ cao nhưng khá mới tại Việt Nam. Trong bối cảnh vai trò của MMDS trong đời sống xã hội ngày càng tăng, MMDS sẽ bùng nổ trong thời gian tới, Nghị định 58 đã được ban hành nhằm triển khai Luật An toàn thông tin mạng. Định hướng xây dựng Nghị định này là quản lý hiệu quả MMDS, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi cho người dùng MMDS.
Ông Vũ Quốc Thành, Tổng Thư ký VNISA nhấn mạnh: “Tọa đàm này có ý nghĩa với cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp. Thời gian này, các doanh nghiệp cùng lúc phải đọc – hiểu – chuẩn bị thực hiện 2 Nghị định gồm Nghị định 58 nêu trên và Nghị định 108/2016/NĐ-CP về quản lý kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin. Nhiều doanh nghiệp thấy có khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định 58. Bản thân tôi cũng thấy có điểm cần phải làm rõ hơn. Tọa đàm hôm nay là cơ hội để doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước tăng cường sự hiểu biết để quá trình thực thi pháp luật vừa có lợi cho doanh nghiệp vừa tạo sự dễ dàng cho cơ quan quản lý”.
Băn khoăn lớn nhất được rất nhiều doanh nghiệp phản ánh là việc xác định đâu là sản phẩm, dịch vụ MMDS thuộc danh mục phải xin giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu. Cần phải làm rõ hơn vấn đề này bởi những cán bộ, nhân viên phụ trách hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp không làm kỹ thuật chuyên sâu sẽ không hiểu được những khái niệm chuyên ngành MMDS.
Giải đáp thắc mắc nêu trên, ông Vũ Văn Xứng nói: “Phần phụ lục II của Nghị định 58 đã quy định rất rõ Danh mục sản phẩm MMDS xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép. Danh mục này chỉ áp dụng đối với các thiết bị mà cả số HS, tên gọi và mô tả chức năng mật mã trùng với mã số HS, tên gọi và mô tả chức năng mật mã hàng hóa thuộc Danh mục. Danh mục gồm 3 cột: Mã HS, Tên gọi, Mô tả chức năng mật mã. Nếu sản phẩm, dịch vụ không có chức năng mật mã thì không cần phải ghi nội dung vào cột Mô tả chức năng mật mã, và những sản phẩm, dịch vụ này không thuộc danh mục phải xin cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu”.
Ông Vũ Văn Xứng cũng nêu rõ những sản phẩm thuộc diện được loại trừ khỏi Danh mục phải xin cấp phép, đó là những sản phẩm công nghệ thông tin được sử dụng rộng rãi, trong đó chức năng bảo vệ thông tin sử dụng mật mã không phải là chức năng chính và được cài đặt sẵn, không cần sự hỗ trợ nào từ nhà cung cấp.
“Ví dụ thư điện tử trong Outlook Express có mã hóa 40 bit nhưng không phải MMDS vì đây là những sản phẩm phổ thông, phổ biến. Hệ điều hành có password bảo mật cũng không phải MMDS vì đã quá phổ biến. Trên thực tế, không phải cái gì có sử dụng mật mã, có mã hóa đều là MMDS. Hiện nay ước tính có tới 70 – 80% sản phẩm CNTT có mật mã đã được loại trừ khỏi Danh mục phải xin cấp phép vì được xác định không phải là MMDS”, ông Vũ Văn Xứng nêu ví dụ.
“Các doanh nghiệp chỉ phải khai báo những sản phẩm chuyên dụng, đặc thù. Chẳng hạn, máy fax không có chức năng mật mã, mã hóa thì không cần ghi nội dung vào cột Mô tả chức năng mật mã, nhưng nếu có chức năng mật mã thì phải ghi rõ nội dung và phải có giấy phép mới được xuất khẩu, nhập khẩu. Trên thực tế chỉ có khoảng 1% máy fax trên thị trường có chức năng mã hóa, giá thành lên tới 4.000 USD, còn lại đều là máy fax thông thường, giá chỉ khoảng 300 – 400 USD. Tương tự, ổ cứng thông thường chỉ có giá khoảng vài trăm đến vài nghìn USD, còn ổ cứng chuyên dụng có chức năng mã hóa có giá tới vài trăm nghìn USD. Nếu sản phẩm không có chức năng mã hóa thì doanh nghiệp cứ tiến hành thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu thông thường”, Cục trưởng Vũ Văn Xứng phân tích thêm.
“Nếu doanh nghiệp không khai nội dung vào cột Mô tả chức năng mật mã thì cơ quan hải quan cũng không yêu cầu phải trình giấy phép. Nếu cố tình không khai để không phải xin giấy phép thì sẽ bị xử phạt”, ông Đào Văn Hiệp, Phó Phòng Giám sát Quản lý Hải quan 1 - Tổng cục Hải quan lưu ý.
Toàn cảnh buổi tọa đàm sáng 31/8 tại Hà Nội. |
Sẽ liên tục cập nhật danh mục sản phẩm cho doanh nghiệp
Cũng có một số doanh nghiệp đề xuất cần có thêm thời gian để tìm hiểu trước khi áp dụng Nghị định 58. Trao đổi về vấn đề này, Cục trưởng Vũ Văn Xứng cho biết: “Nghị định 58 được xây dựng trên tinh thần kế thừa những điều phù hợp của Nghị định 73 của Chính phủ đã được ban hành và áp dụng từ năm 2007. Một số nội dung chi tiết về điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xin cấp phép kinh doanh MMDS đã được quy định tại Chương III Luật An toàn thông tin mạng.
Một số doanh nghiệp khác lại băn khoăn về quy định doanh nghiệp có trách nhiệm “phối hợp, tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các biện pháp nghiệp vụ khi có yêu cầu” và quy định người sử dụng sản phẩm MMDS phải “cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến khóa mã cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu”, bởi chưa rõ thế nào là “biện pháp nghiệp vụ khi có yêu cầu” và e ngại việc cung cấp thông tin mã khóa có liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Đối với băn khoăn này, Cục trưởng Vũ Văn Xứng khẳng định: “Chỉ có Viện Kiểm sát và Công an là 2 cơ quan có quyền yêu cầu doanh nghiệp và các đối tác thực thi hai nội dung vừa nêu”.
Đánh giá cao sự thiện chí của Cục QLMMDS và KĐSPMM, cũng như Cục Giám sát quản lý về hải quan trong việc nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp gỡ vướng, ông Vũ Quốc Thành đề xuất các doanh nghiệp cũng cần nêu cao tinh thần hỗ trợ trao đổi thông tin với nhau trong bối cảnh còn rất nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ các quy định trong Nghị định 58.
“Rất mong các doanh nghiệp có sản phẩm thuộc Danh mục hoặc không thuộc Danh mục phải cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu cũng tích cực tham gia cập nhật dữ liệu thành một danh mục cụ thể để các doanh nghiệp khác nếu cần có thể tiện tra cứu. Danh mục này sẽ được đăng tải trên website của VNISA và liên tục được cập nhật để góp phần gỡ rối cho các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ MMDS”, ông Vũ Quốc Thành chia sẻ với PV báo Bưu điện Việt Nam.
Theo Infonet.vn