Hiệu trưởng ĐH FPT: "Không rõ DN cần bao nhiêu nhân lực CNTT"
TS. Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường Đại học FPT băn khoăn rằng các doanh nghiệp luôn kêu thiếu nhân lực CNTT nhưng chưa bao giờ công bố mình cần bao nhiêu nhân lực trong một thời hạn cụ thể để các cơ sở đào tạo lên kế hoạch đáp ứng nhu cầu.

TS. Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng trường Đại học FPT. Ảnh: Internet.

Thời gian qua, khái niệm "nhân lực CNTT chất lượng cao" được nhắc đến khá nhiều nhưng ít người nêu rõ nội hàm của khái niệm này. Theo ông, nhân lực CNTT cần đạt những tiêu chí, tiêu chuẩn nào để được gọi là "chất lượng cao"?

Ở Việt Nam đang có hiện trạng cứ nghĩ rằng nhân lực CNTT của mình đang là "chất lượng thấp" và phải hướng tới "chất lượng cao". Tuy nhiên, theo tôi, nên gọi là nhân lực CNTT "chất lượng" thay vì "chất lượng cao". Để đạt được mức nhân lực "chất lượng", những người làm trong lĩnh vực CNTT cần hội tụ những điều kiện cơ bản sau. Trước hết là phải có trình độ, kỹ năng ngoại ngữ tốt. Nhiều ngành khác có thể không yêu cầu phải biết ngoại ngữ, nhưng riêng ngành CNTT nếu không có ngoại ngữ thì "chịu chết" bởi CNTT là một trong những lĩnh vực hội nhập quốc tế mạnh nhất, mọi vấn đề như công nghệ, thị trường đều được quốc tế hóa. Thế nhưng tại Việt Nam, các trường vẫn dạy ngoại ngữ như một môn học chứ không phải nhằm trang bị công cụ cho người học sử dụng trong cuộc sống. Những học sinh, sinh viên có trình độ ngoại ngữ tốt chủ yếu do tự vận động chứ không phải giá trị gia tăng nhà trường mang lại. Cách thức dạy ngoại ngữ như một môn học đang là một điểm yếu trong hệ thống giáo dục đào tạo.

Thứ hai, nhân lực CNTT phải nắm chắc những kiến thức công nghệ nền tảng, bài bản để có thể phát triển lâu dài, tránh rủi ro học xong không biết sẽ phát triển thế nào vì "trót" học những kiến thức mà công việc thực tế  không cần đến.

Thứ ba, phải có kỹ năng mềm như khả năng làm việc nhóm, ý thức kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm với công việc,... Trên thực tế, đây đang là điểm yếu của nhân lực CNTT Việt Nam vì hầu hết các trường đều không dạy những mảng này.

Rất nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang thiếu hụt nhân lực CNTT và "thủ phạm" của sự thiếu hụt là hệ thống giáo dục đào tạo. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Rất nhiều quan chức chính phủ, doanh nghiệp nói rằng nhu cầu nhân lực CNTT rất lớn, nhưng chỉ dừng ở việc nêu lên nhu cầu một cách chung chung chứ không đề cập tới con số cụ thể, chẳng hạn như năm tới chúng tôi dự kiến thiếu 1.000 người đảm nhiệm vị trí lập trình viên, năm tiếp nữa cần 500 người ở vị trí kỹ sư hệ thống,.. Khi không nắm được số lượng cụ thể của nguồn "cung", các cơ sở đào tạo khó có thể lên kế hoạch đáp ứng "cầu", và khó tránh rủi ro khi đào tạo xong một số lượng lớn sinh viên nắm vững kiến thức A trong 2 – 3 năm, đến khi sinh viên ra trường, các doanh nghiệp lại bảo không cần người biết kiến thức A mà đang "khát" nhân lực hiểu biết về kiến thức B.

Nhìn chung, khi nói tới câu chuyện nhân lực thì phải nhìn cả ở góc độ người học, người đi làm, đơn vị đào tạo, cơ quan sẽ sử dụng nhân sự và kể cả người đầu tư cơ sở đào tạo. Nói cách khác là phải nhìn vào một hệ sinh thái, trong đó, mỗi người đảm nhận một phần việc cụ thể.

Như ông vừa chia sẻ thì các doanh nghiệp không nên chỉ kêu ca mà phải tham gia trực tiếp vào việc giải tỏa "cơn khát" nhân lực CNTT?

Các doanh nghiệp giữ một vai trò rất quan trọng trong việc cùng với các trường học giải tỏa "cơn khát" nhân lực CNTT. Với quan điểm này, Đại học FPT đã xây dựng mô hình khung hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp, gồm 5 nội dung.

Một là, doanh nghiệp có thể hỗ trợ, tham gia hoạt động đào tạo của nhà trường, ví dụ cung cấp thông tin để cùng xây dựng chương trình đào tạo, hoặc trang bị phòng thí nghiệm theo đúng công nghệ doanh nghiệp cần để sinh viên được va chạm thực tế, hoặc cử cán bộ sang giảng dạy một số nội dung ngắn hạn,..

Hai là, hợp tác triển khai hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), trong đó, cán bộ doanh nghiệp sẽ phối hợp với giáo viên, sinh viên cùng làm những dự án nghiên cứu chung, hình thành ra các sản phẩm, dịch vụ cụ thể đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Ba là, doanh nghiệp tạo môi trường để sinh viên thực tập (on-job-training) và trải nghiệm kinh nghiệm thực tế.

Bốn là, hai bên cùng khớp kế hoạch tuyển dụng và cung cấp nhân lực để xem đang thiếu và yếu ở mảng nào, qua đó cùng điều chỉnh, thay đổi cho cân đối cung - cầu nhân lực.

Năm là, doanh nghiệp cấp học bổng cho sinh viên, có thể là hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hoặc cấp học bổng cho sinh viên giỏi kèm theo điều kiện sau này sẽ phải làm cho doanh nghiệp trong một thời gian nhất định.

Doanh nghiệp có thể chọn 1 trong 5 nội dung nêu trên hoặc chọn một khía cạnh cụ thể để hợp tác với nhà trường. Trước đây, bản thân Đại học FPT nhiều khi làm việc với doanh nghiệp nhưng chẳng biết doanh nghiệp muốn gì. Với mô hình khung hợp tác nêu trên, hy vọng hai phía doanh nghiệp và nhà trường sẽ hiểu nhau hơn và có thể cân đối cung - cầu nhân lực CNTT một cách hiệu quả hơn.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Mai (Nguồn: ICTnews)